Di sản Hồ_Chí_Minh

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tại Việt Nam, Hồ Chí Minh được xem là nhân vật chính trong công cuộc giải phóng dân tộc. Đối với nhiều người, ông là một nhà yêu nước đã vận dụng chủ nghĩa Marx-Lenin vào công cuộc giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thực dânđế quốc. Tính giản dị và kiên cường của ông được nhiều người kính mến. Giáo sư David Thomas cho rằng: "Chính viễn kiến của ông, sự hy sinh, tính bền bỉ và sự lãnh đạo của ông trong một nước nghèo nàn, lạc hậu đã thúc đẩy người Việt Nam đứng dậy, đánh thắng thực dân Phápquân đội Mỹ". Cũng chính giáo sư này xem Hồ Chí Minh là một nhân vật trong thời kỳ Phục Hưng, là người nói giỏi không ít ngoại ngữ, lại còn viết được thơ bằng chữ Hán. Trong đời, Hồ Chí Minh đã tham khảo những danh nhân về văn học và triết học như Victor Hugo, Charles Dickens, Lev Tolstoy hay Dostoevsky thông qua các tài liệu bằng ngôn ngữ bản xứ của họ. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng "Họ [Chính phủ Việt Nam] đã thánh hóa hình ảnh của Hồ Chí Minh, biến ông thành một vị thánh và điều đó khiến việc có được bức tranh thực và đầy đủ về cuộc đời ông trở thành bất khả".[202]

Nhiều người dân Việt Nam yêu quý ông, gọi ông bằng cái tên thân mật Bác Hồ. Trong văn thơ, Hồ Chí Minh còn được gọi là "Cha già dân tộc". Một số dân tộc thiểu số Việt Nam, như Vân Kiều, Pa Cô, Kor, đã lấy họ của mình là họ Hồ vì yêu quý ông.[203] Ông được thờ tại nhiều gia đình Việt Nam,[6][204] cũng như tại nhiều gia đình Việt kiều ở Thái Lan,[205] Lào,...[206] Na Uy, Mỹ...[207]

Tượng bán thân Hồ Chí Minh trên đại lộ Simon Bolivar, Caracas, Venezuela

Nhà yêu nước cách mạng Việt Nam nổi tiếng thuộc thế hệ trước là Huỳnh Thúc Kháng, năm 1946 là Hội trưởng Hội Quốc dân Việt Nam, đã nhận xét: "Hồ Chí Minh tiên sinh là bậc yêu nước đại chí sĩ, là nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia, chân đi khắp năm châu, mắt trông xa vạn dặm. Nói về bằng cấp thì cụ Hồ không là Tiến sĩ, Phó Bảng gì cả. Nhưng nói về tri thức và sự nghiệp cách mạng thì chắc chắn lớp chúng ta cũng như lớp trước chúng ta không ai bì kịp. Tôi đã vào loại sáng nhưng cụ Hồ lại sáng hơn tôi nhiều. Cụ Hồ rất vì đại nghĩa, là một tay cao cờ, dưới lại có đội ngũ những người giúp việc tài năng, thông minh lắm, giỏi giang lắm, tin tưởng lắm, nhất định sẽ đưa dân tộc ta đến toàn thắng".[208] Năm 1947, trước lúc qua đời, Huỳnh Thúc Kháng tin tưởng rằng Hồ Chí Minh sẽ dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi đến kháng chiến thắng lợi: "Tôi tiếc không được gặp Cụ Hồ lần cuối. Chúc Cụ sống lâu muôn tuổi để dẫn dắt nhân dân đến vinh quang, hạnh phúc".[209]

Với chiến thắng quyết định ở trận Điện Biên Phủ, những nước thuộc địa trước đây của Pháp, chủ yếu ở Bắc PhiTây Phi cũng theo gương Việt Nam nổi dậy. Hồ Chí Minh được người dân ở những nước này rất kính trọng, và được coi như tấm gương cho cuộc giải phóng tại đất nước họ.

Tuy nhiên, tại một số cộng đồng người Việt hải ngoại có tư tưởng chống Cộng, đặc biệt là ở Hoa Kỳ mà đa phần là những người rời khỏi Việt Nam sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, hình ảnh của ông bị phản đối mãnh liệt. Năm 1999, khi một người cho thuê băng đĩa treo chân dung Hồ Chí Minh trước cửa tiệm mình tại Little Saigon, hàng vạn người Mỹ gốc Việt và cựu binh Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tham gia biểu tình phản đối, gây ra nhiều tranh cãi về vấn đề tự do ngôn luận tại Hoa Kỳ.[210][211][212] Một cuộc triển lãm nghệ thuật về Hồ Chí Minh tại Oakland, California năm 2000 cũng bị hàng trăm người biểu tình phản đối.[213][214] Trong một hành động phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết tới Hoa Kỳ, hình nộm của Hồ Chí Minh bị đem ra treo cổ và hình ảnh ông bị giẫm đạp, một số cuộc biểu tình phản đối chính quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng có những hành động tương tự.[213][215][216][217][218]

Tưởng niệm

Trong nước

Tượng Bác Hồ với thiếu nhi của Diệp Minh Châu tại TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, Phủ Toàn quyền Đông Dương bên cạnh Quảng trường Ba Đình, nơi ông đã đọc Tuyên ngôn Độc lập được chọn là nơi làm việc của Đảng, Nhà nước và đồng thời là nơi ở, nơi làm việc của Chủ tịch Nước. Từ đó trở đi, nơi đây trở thành Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Khu này là nơi Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông - từ 19 tháng 12 năm 1954 đến 2 tháng 9 năm 1969 (đây cũng là khoảng thời gian ông có những đóng góp quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam). Khu Di tích Phủ Chủ tịch hàng năm đón nhiều khách tham quan trong và ngoài nước. Một công trình khác là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi tuần có hơn 15.000 người đến đây viếng thăm,[219] trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia.

Tượng bán thân Hồ Chí Minh và quốc kỳ Việt Nam thường xuất hiện trong các buổi lễ nhà nước

Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội là khu tưởng niệm về Hồ Chí Minh lớn nhất Việt Nam. Tại các tỉnh thành phố khác cũng có các bảo tàng, nhà lưu niệm về ông, đặt tại những địa điểm ông đã từng sống và làm việc. Nổi bật nhất là Bến Nhà Rồng tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông đã xuống tàu "Đô đốc Latouche Tréville" ra đi năm 1910, và Nhà Tưởng niệm xây dựng năm 1970 ở quê nội của ông, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Sa Đéc.

Nhằm tôn vinh ông, năm 1976, Kỳ họp Quốc hội đầu tiên sau ngày Việt Nam thống nhất đã quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Tên Hồ Chí Minh còn được đặt cho các giải thưởng và huân chương cao quý của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Huân chương Hồ Chí Minh là huân chương bậc cao thứ nhì của Nhà nước; Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao quý nhất dành cho những cống hiến trong các lĩnh vực khoa họccông nghệ. "Cháu ngoan Bác Hồ" là danh hiệu dành cho các thiếu nhi có thành tích cao trong học tập và hoạt động xã hội. Tên ông còn được đặt cho hai tổ chức chính của thanh thiếu niên Việt Nam: Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Mọi tờ tiền giấy tại Việt Nam hiện nay đều in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các tên Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc hay Nguyễn Tất Thành còn được đặt cho nhiều công trình công cộng, như đường quốc lộ, quảng trường, đường phố, trường học.


Hình ảnh và tượng ông hiện diện tại nhiều nơi công cộng, cũng như trên tất cả các đồng tiền giấy đang lưu hành tại Việt Nam. Cùng với quốc kỳ, tượng bán thân hoặc hình Hồ Chí Minh được đặt tại nơi trang trọng nhất của mỗi cơ quan nhà nước và trường học tại Việt Nam.

Quốc tế

Chân dung màu phổ biến của Hồ Chí Minh

Tại các quốc gia khác cũng có các nhà lưu niệm về Hồ Chí Minh,[220] chẳng hạn như ở Pháp[221][222] hoặc Anh (khách sạn Carlton – nơi Hồ Chí Minh từng cào tuyết kiếm sống - được gắn 1 tấm bảng kỷ niệm ông), Thái Lan (nhà lưu niệm Hồ Chí Minh do Việt kiều tại đây quyên góp xây dựng).

Ngoài ra còn có rất nhiều đài kỷ niệm và bia tưởng niệm. Tại Việt Nam, Hồ Chí Minh còn được thờ trong một số đền, chùa và trên bàn thờ của mỗi gia đình. Ngoài phạm vi Việt Nam, Hồ Chí Minh được tưởng niệm tại nhiều công trình trên thế giới.[223] Tên ông đã được đặt cho các đại lộ tại Luanda (Angola), tại Ouagadougou (Burkina Faso) và tại Maputo (Mozambique). Tại Berkeley, California, nơi có nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà hoạt động cộng đồng đã từng gọi Công viên Frances Willard là Công viên Hồ Chí Minh như một cách không chính thức.[224]

Nhiều nước trên thế giới đã phát hành tem bưu chính kỷ niệm ông như ở: Liên bang Xô viết, Ấn Độ, Lào, Madagascar, Algérie, Cuba, Đông Đức, Bắc Triều Tiên, Quần đảo Marshall, Dominica,... Tượng đài ông được đặt tại nhiều thành phố trên thế giới, trong đó có La Habana (Cuba), Moskva (Nga), Zalaegerszeg (Hungary), Montreuil (Pháp), Calcutta (Ấn Độ), Antananarivo (Madagascar),[225] Caracas (Venezuela),...[226][227]

Danh hiệu

UNESCO và Nghị quyết kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Hồ Chí Minh

Ngày sinh nhật lần thứ 100 của Hồ Chí Minh được đoàn Việt Nam đề cử UNESCO đưa vào Lịch kỷ niệm các nhân cách vĩ đại và các sự kiện lịch sử (sau đây gọi tắt là Lịch kỷ niệm) năm 1990–1991. Đề nghị của đoàn Việt Nam đã được chép nguyên văn trong văn kiện kỳ họp Đại Hội đồng 24 từ 20 tháng 10 – 20 tháng 11 năm 1987 ở Paris,[228] tại tiểu mục 18.65, mục 18.6 về việc lập Lịch kỷ niệm năm 1990–1991. Nguyên văn đề cử của đoàn Việt Nam, mục Lưu ý (Noting), mục Đề cử (Recommend) và mục Yêu cầu (Request). Tạm dịch:

1. Lưu ý là năm 1890 đánh dấu 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng đất nước và danh nhân văn hóa người Việt,

2. Khuyến nghị các nước thành viên tham gia vào việc kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100 của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách tổ chức những sự kiện tưởng nhớ đến ông, để tuyên truyền rộng rãi những hiểu biết về sự vĩ đại của những tư tưởng và những việc Hồ Chí Minh đã làm cho sự nghiệp giải phóng dân tộc;

3. Yêu cầu Tổng Giám đốc Unesco thực hiện các bước thích hợp để kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trong dịp này, đặc biệt các hoạt động tổ chức tại Việt Nam.

Đề cử của đoàn Việt Nam đã được Đại Hội đồng khóa 24 (họp từ ngày 20 tháng 10 tới ngày 20 tháng 11 năm 1987) của UNESCO thông qua và ban hành dưới dạng Nghị quyết, quyển số 01. Dưới sự chủ tọa của ông Guillermo Putzeys Alvarez, điều hành khóa họp và ông Amadou-Mahtar M'Bow (Chủ tịch UNESCO nhiệm kỳ 1974-1987), đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cụm từ "Anh hùng giải phóng đất nước và danh nhân văn hóa người Việt" (Vietnamese hero of national liberation and great man of culture) xuất hiện 1 lần tại mục Lưu ý trong đề cử của đoàn Việt Nam, văn kiện khóa họp 24. Cụm từ "danh nhân văn hóa" (great man of culture) xuất hiện tổng cộng 3 lần trong cơ sở dữ liệu của UNESCO[229] từ năm 1974 – nay (2017):

  1. Lần đầu tiên: năm 1987, văn bản kỳ họp Đại Hội đồng lần thứ 24, mục 18.6 lập Lịch kỷ niệm 1990-1991, trong nội dung 18.65 đoàn Việt Nam đề cử ngày sinh lần thứ 100 của Chủ tịch Hồ Chí Minh
  2. Lần thứ hai: năm 1995, văn bản kỳ họp 147 Hội đồng Điều hành (Executive Board) ngày 29 tháng 9 năm 1995 để lập Lịch kỷ niệm 1996-1997, trong nội dung của đoàn Philippine, có nhắc lại cụm từ này.[230]
  3. Lần thứ ba: năm 2001, văn bản kỳ họp Đại Hội đồng lần thứ 31, ông Phạm Văn Khiêm nhắc lại cụm từ này khi nói về Hồ Chí Minh trong phát biểu của mình.[231]

Tuy nhiên do sự phản đối của một số người tại Pháp,[232] để tránh rắc rối chính trị nên UNESCO đã không in tên ông trong Lịch kỷ niệm năm 1990-1991[233] Trong cuốn sách Contesting Indochina của M. Kathryn Edwards,[234] Phó Giáo sư Sử học Pháp tại Đại học Tulane có nói đề cử vinh danh Hồ Chí Minh của UNESCO bị chống đối mạnh từ Hội Cựu chiến binh Quốc gia và bạn bè Đông Dương (Association nationale des anciens et amis de l’Indochine – ANAI, một tổ chức gồm các cựu binh quân đội Pháp từng tham chiến ở Việt Nam giai đoạn 19451954, năm 2012 đã bị giải thể):[235] "Vào năm 1988-89, Hội (ANAI) đã tổ chức một chiến dịch thành công chống lại đề xuất của UNESCO kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Hồ Chí Minh đã được lên kế hoạch cho năm 1990; mặc dù Hội thừa nhận ông Hồ là một "người đàn ông trung thực" và một "người yêu nước", Hội cũng xem ông là một "thủ phạm của tội ác chống lại loài người, chống lại chính người dân của mình, và chống lại quân đội nước ngoài" (chỉ quân đội Pháp). Vấn đề được đưa ra Quốc hội Pháp bởi đại diện cánh hữu Eric Raoult (thuộc Đảng liên minh vì phong trào nhân dân, UMP), người đã trình Quốc hội với quan điểm gần như hoàn toàn tương đồng với ANAI. Ông còn lập luận xa hơn rằng Quốc hội đang tranh luận xem có thiết lập tình trạng "tù binh của Việt Minh" hay không, nó có vẻ vô lý khi vinh danh người đã chịu trách nhiệm cho việc đối xử với các tù binh Pháp này. Cuối cùng, Chính phủ Pháp đã ra quyết định bãi bỏ những lễ kỷ niệm cấp nhà nước cho sinh nhật 100 [của Hồ Chí Minh]".[236][237]

Trong cuốn sách về tiểu sử Hồ Chí Minh của Pierre Brocheux cũng có nhắc đến sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh tại trụ sở chính của UNESCO ở Paris, sau khi đề cử của Việt Nam được Nghị quyết UNESCO thông qua, với khuyến nghị các nước thành viên tưởng nhớ "tư tưởng và thành quả của Hồ Chí Minh trong công cuộc giải phóng dân tộc".[238]

Tại hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa lớn” ở Hà Nội tháng 3 năm 1990, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương Modagat Ahmet phát biểu: “Hội nghị UNESCO phiên thứ 24 đã quyết định kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người vào năm 1990. Đây là một cử chỉ tôn kính đối với một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập. UNESCO rất vui mừng được tham gia vào sự kiện đáng ghi nhớ này. Điều đó biểu hiện sự cam kết sâu sắc của tổ chức này trong việc duy trì các giá trị và công lao của các nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng”.[239] Ngày 24 tháng 11 năm 2017, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã tham gia một triển lãm ảnh và hội nghị quốc tế kỷ niệm 30 năm UNESCO ban hành Nghị quyết 24C/18.65, Đại diện UNESCO tại Việt Nam là ông Michael Croft bày tỏ: “Đối với tôi, thiên tài của Hồ Chí Minh không chỉ đơn giản là sự hiểu biết và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài để giải phóng dân tộc, mà còn là sự dự đoán, cân nhắc những yêu cầu của một hòa bình trong tương lai, và kết hợp các yếu tố này vào việc ra quyết định của mình.” Trước đó, Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, cũng bày tỏ cảm hứng về Hồ Chí Minh trong bài phát biểu kỷ niệm Nghị quyết do đoàn đại biểu thường trực Việt Nam tổ chức tại UNESCO vào ngày 13 tháng 11 năm 2017 tại Paris, Pháp.[240]

Văn bản gốc đề cử kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh của Việt Nam được in trong "Tập biên bản của Ðại Hội đồng UNESCO khóa họp lần thứ 24 tại Paris, từ ngày 20-10 đến 20-11 năm 1987, Quyển 1: NGHỊ QUYẾT", được UNESCO xuất bản đồng thời bằng 6 thứ tiếng (tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ả Rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nhatiếng Nga), được in và đóng quyển tại xưởng in của UNESCO, Paris, vào năm 1988. Năm 2010, văn bản gốc bằng tiếng Pháp của bản Nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh của UNESCO đã được Tổng Giám đốc UNESCO là bà Irina Bokova trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để trưng bày.[241][242]

Các bình chọn của Tuần báo Time

Tuần báo TIME của Hoa Kỳ bình chọn Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX. Danh sách này đã gây ra nhiều tranh cãi, vì tiêu chí của Time chỉ dựa trên tầm ảnh hưởng, bất kể tốt hay xấu (Adolf HitlerBenito Mussolini cũng có tên trong danh sách này).[243] Tờ Time 2000 đã nhận định ông là người đã góp phần "làm thay đổi diện mạo hành tinh chúng ta trong thế kỷ XX".[244] Ngày 15 tháng 10 năm 2010, báo Time cũng đã bầu chọn Hồ Chí Minh là một trong 10 tù nhân chính trị nổi bật chiến đấu cho tự do nổi tiếng nhất mọi thời đại cùng với Aung San Suu Kyi, Nelson Mandela, Martin Luther King Jr., Mohandas Gandhi...[245]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hồ_Chí_Minh http://123.30.49.74:8080/tiengviet/tulieuvankien/4... http://www.smh.com.au/articles/2002/08/14/10291139... http://www.theage.com.au/articles/2002/08/14/10291... http://cpc.people.com.cn/GB/68742/106364/106365/87... http://www.sdfao.gov.cn/art/2009/12/4/art_54_3563.... http://www.bbc.com/vietnamese/culture/2009/02/0902... http://www.bbc.com/vietnamese/entertainment/story/... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2007/0... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2009/0... http://www.bbc.com/vietnamese/worldnews/cluster/20...